Hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và chế tác những sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre, ông Viễn vẫn nặng nợ với cây tre bông và xem nó là tài sản quý giá của cuộc đời. Từ chiếc trống, đồng hồ, hay những công trình kiến trúc nổi tiếng, đều được ông chế tác đầy tính thẩm mỹ và vô cùng sắc xảo.
Sinh ra ở Bến Tre nhưng lại định cư tại TP. Long Xuyên, ông Viễn được biết đến với biệt danh “phù thủy tre bông”. Vốn đam mê cây tre từ tấm bé, cộng với năng khiếu và sự khéo tay trời phú nên ông đã bắt đầu tạo tác những sản phẩm đầu tiên từ tâm tre, rồi dần dà đến các sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre.
Ông Viễn có niềm đam mê đặc biệt với cây tre bông. Ảnh: M.A.
Vào năm 19 tuổi, trong một dịp đến vùng đất Chợ Mới (An Giang) tìm nguyên liệu về chế tác, ông Viễn vô tình phát hiện ra một loại tre có nhiều hoa bông rất ngộ nghĩnh. Đó cũng là cái duyên giúp ông gắn bó với cây tre bông đến tận hôm nay.
Tâm sự với phóng viên DANVIET.VN, ông Viễn chia sẻ: “Cây tre bông khác hẳn những cây tre khác là ở chỗ nó có những đốm bông nâu, thân tre bóng và rắn hơn, nên rất dễ làm được đường nét theo ý muốn của mình. Từ cây tre bông, các sản phẩm tôi làm ra được nhiều người chuộng là do nó bóng đẹp và bền”.
Cây tre bông có nhiều đốm bông nâu, thân tre bóng và rắn hơn tre thường. Ảnh: M.A.
Theo ông Viễn, cây tre bông vốn có nguồn gốc từ Huế. Đây là một loại tre rất đặc biệt, khi còn tươi cũng giống như các loại tre khác nhưng khi thân tre già, đem phơi khô thì trên thân xuất hiện nhiều hoa văn rất đẹp. Những hoa văn này nổi lên càng rõ và có nhiều màu sắc khác nhau khi được đánh bóng và xử lý với phèn chua, phèn xanh.
Tận dụng lợi thế đó, với óc sáng tạo không ngừng, ông Viễn đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm nghê thuật thủ công từ cây tre bông. Ban đầu chủ yếu để trang trí trong nhà và tặng bạn bè, càng về sau càng được thị trường chấp nhận.
Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ cây tre bông qua bàn tay khéo léo của ông Viễn. Ảnh: M.A.
“Cây tre tôi đem về tôi bắt đầu tuyển, khúc nào làm gì, đọt làm ống cấm bút, gốc làm đế,... Cây tre bông khi ghép lại rất rắn chắc nên khi làm phải nghiên cứu cho thật kỹ, từng đường nét khi gắn vô rồi là không thể tháo ra được” - ông Viễn cho hay.
Theo tìm hiểu của phóng viên DANVIET.VN, để cho ra đời sản phẩm mỹ nghệ từ cây tre bông phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Tre bông sau khi mua về phải tuyển và xử lý lại để tạo hình, tạo dáng cho từng sản phẩm. Kế đến là phân loại theo kích cỡ và màu sắc. Tùy vào hình dáng và kích cỡ và họa tiết đặc trưng trên thân tre mà người thợ sẽ tự phát thảo mẫu và các họa tiết sao cho phù hợp. Sau đó, gắn kết và lắp ghép các chi tiết lại với nhau để định hình.
Để thoàn thành được một tác phẩm tùy theo kích thước và mẫu mã, thường phải mất từ vài giờ, cũng có những sản phẩm kỳ công hơn mất cả tháng. Ảnh: M.A.
Tuy xuất phát điểm của ông Viễn không có thầy chỉ dạy, không vốn liếng, không người chia sẻ, làm ra thành phẩm không có nơi tiêu thụ…nhưng trời không phụ người có tâm. Trải qua bao nhọc nhằn và cả thất bại, đến năm 2008, với những sản phẩm độc đáo từ cây tre bông của mình, ông Viễn được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam”.
Những sản phẩm được chế tác công phu, tỉ mỉ. Ảnh: M.A.
Hiện, ông Viễn đã cho ra đời hơn 200 mẫu sản phẩm với giá bán dao động từ vài chục ngàn đến hơn triệu đồng. Cho dù phức tạp hay đơn giản, những sản phẩm mỹ nghệ từ tre bông của ông Viễn cũng giữ cho mình “hồn Việt” dung dị mà đáng quý.