Nghề đan lục bình góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn tại huyện Cao Lãnh
Theo UBND huyện Cao Lãnh, trong 9 tháng đầu năm 2019, hoạt động sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 1.258 tỷ đồng, đạt 75,13% so với kế hoạch, tăng 2,67% so với cùng kỳ năm 2018. Các sản phẩm chủ yếu như: hóa dược, chế biến thủy sản, chế biến lương thực, thức ăn thủy sản, các sản phẩm từ cá sấu, gạch không nung... Để toàn ngành có sự phát triển bền vững, từ đầu năm, huyện tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, chủ động nắm bắt tình hình và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, các doanh nghiệp địa phương đã quan tâm đầu tư thiết bị, công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động khuyến công được đẩy mạnh. Huyện đã xây dựng chương trình hỗ trợ mô hình trình diễn, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, được UBND tỉnh hỗ trợ 2 đề án khuyến công với tổng kinh phí 600 triệu đồng; đăng ký hỗ trợ bổ sung 1 đề án năm 2019 và thực hiện 3 đề án năm 2020; phổ biến chương trình hỗ trợ phát triển năng suất lao động các ngành công nghiệp chủ lực và hỗ trợ phát triển ngành cơ khí năm 2020; chương trình nâng cao năng lực quản lý; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Thời gian qua, UBND huyện đã kiện toàn và tổ chức họp Tổ tư vấn xúc tiến thương mại và đầu tư, xác định phương hướng thực hiện công tác xúc tiến đầu tư; cho ý kiến đề xuất đầu tư, điều chỉnh đầu tư 14 dự án, cung cấp thông tin địa điểm đầu tư 5 dự án. Đến nay, có 7 dự án đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, 4 dự án được UBND tỉnh quyết định cho thuê đất, 6 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Huyện cũng chú trọng phát triển làng nghề CN-TTCN (hiện có 4 làng nghề được công nhận là Làng nghề dệt chiếu và Làng nghề đan thảm, lục bình). Để hỗ trợ cho hoạt động các làng nghề, huyện tổ chức các lớp dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, với các nghề: đan lục bình, đan ghế nhựa, kết hạt cườm, xây dựng...
Ông Đặng Hữu Minh - Phó Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Cao Lãnh cho biết: “Huyện tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến trên cơ sở những ngành nghề đã có để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh; phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu. Chúng tôi cũng tăng cường công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, từ đó kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất CN-TTCN, tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống có thế mạnh, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động; tiếp tục mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các nghề truyền thống. Tạo điều kiện cho các hộ làng nghề tiếp cận với các chính sách hỗ trợ được kịp thời... cũng được huyện quan tâm.