Chị Mai Bé Nhanh (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đan lưới thuê. Ảnh: T.Q
Chị Mai Bé Nhanh (36 tuổi, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) đã có 20 năm làm nghề đan, vá lưới. Theo chị, nghề này không cực nhọc lắm, nhưng phải ngồi suốt từ sáng đến chiều tối, các đầu ngón tay bị phồng rộp. Chị Nhanh bày tỏ: “Thu nhập của chồng tôi bấp bênh. Việc đan, vá lưới giúp tôi thu nhập 100.000 - 150.000 đồng/ngày, có thêm tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học”.
Nhờ làm nghề đan, vá lưới, bà Mai Việt Yên (56 tuổi, ngụ phường Nhà Mát) cũng đã nuôi 4 đứa con nên người. Bà Yên bộc bạch: “Tôi làm nghề đan, vá lưới từ năm 20 tuổi. Không có đất sản xuất lại lớn tuổi, nên tôi thấy công việc vá lưới cũng phù hợp. Mỗi chuyến đi biển về, nếu lưới bị rách là chủ tàu lại thuê vá. Mỗi tháng tôi thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng”.
Nghề đan, vá lưới bây giờ không còn làm nhỏ lẻ như xưa, mà được tập hợp thành nhóm. Nhà nào có tàu cá nhiều thì tạo việc làm cho khoảng 10 - 20 lao động, ít tàu thì từ 3 - 5 nhân công. Công việc của những người thợ bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, mỗi người chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút để ăn cơm rồi lại tiếp tục làm. Tùy theo hiện trạng hư hỏng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như: cột lại viền lưới, vá lưới, cột phao…
Những năm gần đây, dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển. Trong đó, nghề đan, vá lưới đã và đang là thu nhập chính của nhiều hộ, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.